• luatmaisen@gmail.com
  • 0917 908 358 - 0966 299 358

Công ty luật Mai Sen

Trang chủ » » » Hình sự

Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự - bất cập và kiến nghị

Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự – Bất cập và kiến nghị

1. Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, trong giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét có hay không có dấu hiệu tội phạm, quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. Theo đó, các căn cứ không khởi tố được quy định tại Điều 157 BLTTHS, cụ thể gồm:

– Không có sự việc phạm tội: Không có sự việc phạm tội có thể là thông tin về tội phạm là không chính xác, hoàn toàn không có sự việc xảy ra như thông tin mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận hoặc có sự việc xảy ra như nhưng sự việc đó không có dấu hiệu của tội phạm.

– Hành vi không cấu thành tội phạm: Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý đặc trưng cho một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Hành vi không cấu thành tội phạm là hành vi của người hoặc pháp nhân nào đó không thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS.

– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và một số tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật: Theo nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Quyết định đình chỉ vụ án là quyết định tố tụng do Viện kiểm sát quyết định trong giai đoạn truy tố và do Tòa án quyết định trong giai đoạn xét xử làm chấm dứt hoạt động tố tụng giải quyết vụ án. Quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Khi đã xác định được người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp họ thực hiện một hành vi khác mà luật hình sự coi là tội phạm.

– Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do BLHS quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền được tiến hành các hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27). Việc xác định được đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là căn cứ không khởi tố vụ án hình sự.

– Tội phạm đã được đại xá: Đại xá là một biện pháp khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, do Quốc hội quyết định mà nội dung của nó là tha hoàn toàn đối với hàng loạt người phạm tội đã phạm một hoặc một số loại tội phạm nhất định. Văn bản đại xá thường được ban hành khi có sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước và có hiệu lực đối với những tội phạm xảy ra trước và khi văn bản đại xá đó được ban hành. Tội phạm đã được đại xá là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự.

– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác: Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội là nhằm giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống. Do vậy, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

– Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố: Theo Điều 155 BLTTHS, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Nếu bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự.

2. Bất cập và kiến nghị khắc phục

Thứ nhất, nên bỏ căn cứ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 157. Theo đó, một tội phạm được cấu thành bởi 4 yếu tố là chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan. Theo quy định hiện hành, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là dấu hiệu bắt buộc để xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện hành vi được mô tả trong mặt khách quan của tội phạm. Nếu người thực hiện hành vi chưa đủ tuổi, đồng nghĩa với việc không cấu thành tội phạm. Trong khi đó, theo Điều 157, “hành vi không cấu thành tội phạm” và “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự” được ghi nhận là hai căn cứ độc lập để không khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, việc quy định hai căn cứ như hiện nay là không phù hợp bởi trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm đã bao gồm trường hợp chủ thể chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, nên bỏ căn cứ tại khoản 3 Điều 157 BLTTHS.

Liên quan đến hai căn cứ này, trong quy định của BLTTHS hiện hành, trường hợp người thực hiện hành vi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án trong khi trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm, Tòa án sẽ mở phiên tòa, ra bản án tuyên bị cáo không có tội. Quy định này cho thấy nhà làm luật đang nhìn nhận hai trường hợp này có bản chất khác nhau cho nên hậu quả pháp lý cũng khác nhau. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đồng nghĩa với việc không có cấu thành tội phạm nào được thỏa mãn, do đó hành vi sẽ không cấu thành tội phạm. Chưa hết, các căn cứ để đình chỉ vụ án ngoài việc VKS rút toàn bộ quyết định truy tố thì các căn cứ còn lại là các căn cứ quy định từ khoản 3 đến khoản 7 Điều 157. Trong năm căn cứ này, bốn căn cứ còn lại (trừ khoản 3) đều có chung đặc điểm đó là hành vi phạm tội đều thỏa mãn cấu thành của một tội phạm nhất định, nhưng vì lý do khách quan (người thực hiện hành vi chết; hết thời hiệu truy cứu) hoặc vì thuộc các trường hợp đã bị xử lý (được đại xá, đã có bản án, quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực). Riêng căn cứ quy định tại khoản 3 lại không có đặc điểm trên.

Như vậy, các quy định này của BLTTHS còn chưa thật sự hợp lý, nên sửa lại như sau: Bỏ quy định tại khoản 3 Điều 157, thay vào đó là có quy định thống nhất trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm; Loại bỏ quy định khoản 3 Điều 157 là căn cứ để đình chỉ vụ án.

Thứ hai, việc chuyển biến tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội theo sự vận động của thế giới khách quan có thể xảy ra và đòi hỏi đây là một căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự. Cụ thể, đây là trường hợp khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm, hành vi này chưa được phát hiện. Sau khi sửa đổi, bổ sung quy định, hành vi đó không còn được coi là tội phạm và lúc này, hành vi trên mới bị phát hiện. Hành vi đó do sự chuyển biến của xã hội nên đã không còn nguy hiểm cho xã hội và không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ như hành vi trộm cắp với giá trị 1.5 triệu đồng phạm tội trộm cắp theo quy định của BLHS, nhưng thời điểm phát hiện, BLHS đã sửa đổi quy định về giá trị tài sản trong cấu thành tội trộm cắp là 2 triệu đồng. Lúc này, không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này, do đó nên quy định căn cứ “Tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội không còn” là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ ba, Điều 21 BLHS 2015 quy định trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì người đó sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này là hợp lý bởi hành vi khách quan của tội phạm phải là hoạt động có ý thức và ý chí. Nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội rơi vào trường hợp đang mắc bệnh tâm thần, bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì phải coi họ không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, cũng như trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp này cũng cần được coi là căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều không cần thiết quy định riêng lẻ bởi bản thân nó về mặt nội dung chính là trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm. Do đó, chỉ cần có quy định thống nhất rằng trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm là đủ.

Nguồn: tạp chí Tòa án